Thông báo

Collapse
No announcement yet.

 gươm đàn gãy gánh

Collapse
X

 gươm đàn gãy gánh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  •  gươm đàn gãy gánh

    GƯƠM ĐÀN GÃY GÁNH
    Tôi mạn phép chia sẻ bài viết Tháng Năm.
    Cảm ơn Admins, cảm ơn quý anh chị em ghé đọc bài tôi viết.
    Chúc anh chị em và gia đình dồi dào sức khỏe, bình yên, vui tươi, như ý nhé.
    Quý mến.
    Hoài Hương.
    * * *
    GƯƠM ĐÀN GÃY GÁNH
    Tình Hoài Hương.
    *


    Đã 49 năm dài đằng đẵng trôi qua trong bi thương ngậm ngùi uất hận, thời gian lặng lẽ trôi, nhưng tôi không thể nào quên một chuyện buồn đau luôn canh cánh bên lòng vào những ngày đầu Tháng Năm, khiến tôi bị giày vò ray rứt, tức tưởi nhiều về những điều trông thấy, mà từ thuở đó đến nay tôi không thể làm gì!
    Nhóm chúng tôi từ Sài Gòn lẻn xuống Rạch Giá để tìm đường ra đi, chẳng hiểu tại sao không có tàu đi Phú Quốc? Cũng không có xe đò đi lục tỉnh hoặc về Sài Gòn? Chợ búa ở Rạch Giá vẫn bình thường, nhưng các trạm bán vé đều đóng cửa im lìm.

    Nhóm tôi dậm chân tại chỗ đã ba ngày đêm bần thần lo lắng, mà không biết hỏi ai. Cư dân địa phương chất phác hiền lành lo chăm chỉ làm việc, họ không lưu tâm việc gì xảy ra khắp nơi, chuyện không có tàu, không có xe, không có ghe... họ chẳng thắc mắc làm chi.
    Khi nhá nhem tối, tôi thấy nhiều người ra vô ở lán trọ, mặt lạnh như tiền, cột ở cổ cái cờ nửa xanh nửa đỏ, họ ngó chúng tôi trừng trừng dường như muốn ăn tươi nuốt sống. Một đêm kia có đám tuần tra ở ngoài đường sát khu lán trọ, ngay đầu hàng ghế bố nơi Luật nằm. Thật tình thì nhóm tôi ở nơi vùng quê lạ cái lạ nước vẫn mù tịt mọi thứ, tuy biết biến động kinh hoàng đã lật ngược bàn cờ thế cuộc ở Sài Gòn rồi, nhưng im re, chỉ mong được đi ra Phú Quốc.

    Bọn tuần tra nói cười rổn rảng, oang oang chửi số phận ngày trước nghiệt ngã, hoặc có đứa tự vỗ ngực vẻ vang hả hê ta đã trả thù dân tộc! Bọn hắn trợn mắt dòm người đi đường mà tuôn lời cay độc, hét từng tiếng với mấy bác đáng bậc cha chú:

    - Tên gì?

    - Đi đâu?

    - Đưa kiểm tra giấy tờ.

    Hai đứa con của Ngọc giật mình thức giấc vì tiếng hét, nhỏ Thân rù rì hỏi anh nó:

    - Mấy ổng có phải lính Lính Thủy Quân Lục Chiến mặc đồ đen, choàng khăn cổ bằng lá cờ xanh đỏ, cánh tay ổng đeo băng đỏ, phải hông anh Hai?

    - Tầm bậy tầm bạ! Mầy đoán già đoán non mà ngu như bò! Thủy quân Lục chiến mặc đồ xanh rằn ri, đội mũ màu xanh cứt ngựa, mang giày đinh, oai lắm.

    - Vậy à… hay là mấy ổng ở trong đảng ca ca chi đó, phải hông?

    - “Ca ca”… tiếng Tây nôm na nói là cứt nghen. Còn đảng K K là là… thời da trắng ám sát da đen, khi Nam Bắc phân tranh ở tuốt bên xứ Mỹ. Không có ở đây! Biết không?

    - Thì… thì em thấy mấy ổng có khác chi…

    - Xuỵt! Mầy có câm ngay cái miệng ưa bép xép không!

    - Em không biết, mới hỏi chút xíu, anh làm gì dữ vậy!

    - Coi chừng! Cái bản mặt đó. Thấy thì biết.

    Nghe hai cháu nhỏ nói, mà buồn khi thấy ba cha con ông kia đứng xớ rớ dưới cột đèn mờ. Ông ba bị móc túi, mất bóp tiền và giấy tờ tùy thân, họ ú ớ nói gì đó với tên 30, liền bị báng súng đập một phát, trán ông vọt máu tươi. Tên ấy bắt ông nầy đan hai tay vô nhau chắp ra sau gáy, giống hai người con, máu đã chảy xuống bên má trái.
    Khổ thiệt, bị thương ngoài da rồi sẽ có ngày lành, nhưng tổn thương trong lòng tuy không ai trông thấy, nhưng có thể đau dài lâu. Bây giờ nằm trong mùng vải, nhóm tôi dòm ra ngoài đường, thấy rõ hành vi của đám 30, thì thộn mặt ra vì đã hiểu cớ sự của ngày "giải phóng".

    Luật tức giận cành hông, anh dợm ngồi dậy nhảy ra can thiệp, nhưng Ngọc lôi dật Luật lại, ra dấu cho anh im re nằm xuống, câm miệng coi chừng: đầu không phải, phải tai. Cổ họng ai nấy đều đắng nghét như ngậm vốc trà khô, trà đắng có thể không thích nghi với thổ địa bởi tại phong sương, hoặc trà chát bởi tại tình người?

    Có miệng không nói lại câm.
    Hai hàng nước mắt chan dầm như mưa.
    Mang danh dân chủ cộng hòa.
    Đi ra khỏi tỉnh, phải qua cửa quyền.
    Xuất trình giấy phép liên miên.
    Chứng từ thị thực ở miền nào qua.
    (1)

    Nếu ví như có những điều tự trong thâm tâm quý vị đang vui tươi, trong sáng, bỗng một sớm một chiều tự nhiên âu sầu, băn khoăn lo lắng, bâng khuâng ray rứt về dòng nước không bao giờ chảy ngược lại! Hoặc giả ta bị người khác đã đả thương đau đớn trầm trọng, thì tình Đời và tình Người có cần thiết trìu mến níu lại nữa hay không?

    Khoảng một giờ khuya, có một toán choai choai bặm trợn khác lại xồng xộc vô nhà trọ, chúng tốc ngược mùng của mọi người lên, thiệt bất lịch sự quá chừng! Hai tên dé dé giật giọng kêu khách trọ dậy, để chúng kiểm soát giấy tờ tùy thân. Hiện tại bọn đó là ông trời con một cõi, mắt trợn ngược, thằng oắt hất hàm chĩa súng hất vô bụng khách, gặng hỏi khách trọ cộc lốc đủ thứ chuyện:

    - Qua bên kia xếp hàng.

    - Trước ở đâu?

    - Làm gì?

    - Đưa coi giấy tờ.

    - Có gì giấu đút ở đâu không?

    - Có lịnh không được đi đâu hết.

    Nhóm tôi nói láo:

    - Hồi trước sinh sống ở Phú Quốc. Nay có tự do, hòa bình, chúng tôi mừng rỡ muốn về lại chỗ cũ.

    Thiệt là:

    Đen đủi như Ăng Gô La.
    Người ta cũng được đi ra đi vào.
    Chậm tiến như ở nước Lào.
    Người ta cũng được đi vào đi ra.
    Chỉ riêng có ở nước ta.
    Người ta không được đi ra đi vào.
    (2)

    Người ta nói: "ông Trời có mắt". Nhưng ông Trời ở xa lắm, nên ổng có mắt cũng như mù! Úi thánh thần thiên địa ơi! Nghe cũng phải, nên Trời không cúi xuống dòm đám dân giả dưới trần gian rét run, sợ té khói ra đít nè! Đã vậy trời còn mưa dông gió bão gieo sấm sét vừa đánh chết một người ở gian nhà kế cạnh, tôi mới sợ hung.

    Bọn kiểm soát mặt mày đằng đằng sát khí, súng ống chĩa ra trước, đạn lên nòng róc róc, rắc rắc, réc réc, ngón trỏ hắn đặt trên cò. Tôi sợ mấy cha nội không rành súng ống đạn dược, ưa tháy máy tay thích “bụp”, thích “nẻ” bậy vô dân đen, thì chết toi cả đám oan đời. Tôi ngồi co rúm, không dám hó hé, xép re im thin thít trong một góc mùng, lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện mà run như cầy sấy. Một đêm có tới vài ba lần bị kiểm soát!
    Tửng bưng sáng ở Phú Quốc có tàu cặp vô đất liền, nhiều người từ đảo về lo sợ cho biết: "tù phạm ở Phú Quốc đã phá ngục, họ đi quậy tưng trời, phá phách khắp nơi, nổi loạn cướp bóc tràn lan, chém giết man rợ lắm".

    Nhóm tôi tứ cố vô thân ở xứ lạ quê người, nghe vậy càng tăng lòng sợ hãi, phân vân băn khoăn hết sức, nếu đi ra Phú Quốc, biết đâu: "ngoài đảo đang lộn xộn, thì tai ách giữa đàng lại mang vào cổ". Thế là tan vỡ chuyện hy vọng đi Phú Quốc, từ nơi đó sẽ “đào tẩu” ra nước ngoài. Anh em như con ngố, rù rì to nhỏ xầm xì nửa tiếng Anh, tiếng Pháp, pha tiếng lóng mà bàn tính: "nên trở về Sài Gòn thôi. Dù sao ở thủ đô vẫn còn có bộ mặt thành thị, còn có tai mắt quốc tế dòm vô, họ sẽ cứu nhân độ thế", cứ hy vọng như vậy:

    Người lầm than ta để mất Sài Gòn
    Em buồn ta đi trong giờ sinh tử
    Tiếc làm chi những hạt bụi vô tình
    Em không hỏi ta sao đi biền biệt
    Còn gì đâu trên non nước điêu tàn
    (3)

    Chuyến đi Rạch Giá mong ước sẽ lẻn ra Phú Quốc, nơi ấy còn vùng vẫy trong tự do độc lập. Nhưng thật vô duyên hết chỗ nói, háo hức hân hoan hy vọng ra đi, đến Rạch Giá chứng kiến cảnhh mắt thấy tai nghe bọn oắt con nhỏ bằng con cháu mình hung hăng xấc xược “lên mặt” đánh đấm răn dạy cha chú, rồi nghe vụ Phú Quốc nổi loạn, thật là tuyệt vọng.

    Tôi chong mắt trông trời mau sáng, để quày quả trở về nơi vừa mới bỏ đi. Có phải chúng tôi sẵn tiền, hay đã trở thành kẻ du mục dị ứng thời cuộc, bị tẩu hỏa nhập ma điên khùng muốn “lắc lư con tàu đi”... tìm tự do hạnh phúc!

    Giá mà khuya hôm qua nhóm tôi không gặp mấy tên du kích 30 có đôi mắt trắng dã, cái nhìn dữ dằn, hành động hung ác đánh người già như ông nội hắn, thì chắc chắn sáng tửng bưng nầy cả nhóm tôi đã lên tàu thủy ra Phú Quốc rồi. Cũng có lẽ do định mệnh an bài, nên chúng tôi trở lại Sài Gòn đông đúc, thì đời không cô độc, sẽ là nơi an tựa vững vàng cho tương lai chăng! Ai biết đâu ngày sau.

    Đang ngơ ngác, bồn chồn, lo lắng khi trời đã về chiều, mà chân chồn gối mỏi, tần ngần do dự đứng khựng lại trầm lặng hồi lâu, tôi lắng nghe bọn trẻ choai choai khoảng độ tuổi mười ba mười bốn vui vẻ kể chuyện tiếu lâm mà cười ha hả.
    Thì, trong dạ tôi vui mừng như mở cờ, ruột hớn hở đánh lô tô tưng bừng, nghĩ rằng: ít ra ở đây có lẽ dễ chịu, chắc còn thoải mái yên bình hát câu vọng cổ bên sông nước mơ màng, có thể làm cho người lạ xích lại gần kề, thân ái gợi chuyện làm quen, làm thân dễ dàng cởi mở. Anh Bàn hỏi thăm đám trẻ, các em trai lanh lẹ vui vẻ chỉ lối đưa đường nên đi tắt qua lối nào, để tới bến xe cho gần:

    Người đi về biển động sóng lao xao
    Ôm lòng biển đông chờ mong em gọi
    Bên bờ Tây ta lận đận một đời
    Nay trở lại tháp buồn ta nghiêng đổ
    Lòng còn đau khi để mất Sài Gòn
    (3)
    * * *

    Ôi! Có thể nay tôi đã mất hẳn những bước chân lãng du trùng lặp bao kỷ niệm tìm về chốn cũ. Mất rồi! Thật sự mất đi không gian, thời gian, và kỷ niệm vàng son một thuở trìu mến xa xưa. Lòng tôi bừng bừng rung giật từng cơn sốt tiếc thương, môi co siết những giọt mật vừa chát, vừa đắng trào dâng lên khóe mi tôi giọt sầu quắt quay niềm tiếc thương vô hạn, ẩn dấu nơi hốc mắt nhìn tư lự, nét chân chim đọng giọt lệ ưu phiền trước thời gian, nơi đôi má hoen màu, đôi môi khô lạt, mái tóc phiêu bồng sớm ngả bụi đường lãng tử, áo quần xốc xếch, dáng vẻ tiều tụy hao mòn, trong lòng mình gợn sóng lăn tăn bao sầu đắng chua cay và tê tái:

    Anh bỏ đi rồi, tôi ở lại.
    Chờ bao oan nghiệt trút lên đầu.
    Tôi vẫn đứng giữa một trời ly loạn.
    Tàn chiến chinh mùa nắng lửa mưa dầu.
    Chiều hun hút giữa rừng thiêng nước độc.
    (4)
    *
    Tình Hoài Hương

    (1) Lượm lặt
    (2) Thơ Bút Tre
    (3) thơ Xuân Du
    (4) thơ Đông Quyên.

    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X